Dịch vụ Google Apps của Google ứng dụng các phần mềm trên nền điện toán đám mây (ĐTĐM). Các trường đại học, cao đẳng đang cần tăng cường ứng dụng CNTT với chi phí thấp nếu biết tận dụng Google Apps sẽ tiết kiệm đáng kể ngân sách cho hệ thống CNTT.

Miễn phí cho giáo dục

Google không chỉ có những dịch vụ tìm kiếm, quảng cáo từ khóa… mà danh mục sản phẩm của hãng còn miễn phí bản quyền sử dụng Google Apps cho tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn cầu, trong khi tính phí 50 USD/tài khoản/năm đối với doanh nghiệp (DN) khi sử dụng phiên bản có tính năng tương tự. Đó là do công cụ Google chính là một trong những dự án được phát triển thành công từ đại học nên những thành viên sáng lập của hãng này muốn “đền ơn” các tổ chức giáo dục, xem như một hoạt động xã hội mà Google có trách nhiệm phải thực hiện. Mặt khác, thị trường giáo dục là một thị trường rộng lớn để truyền bá sản phẩm, công nghệ nên đây cũng là cách để Google thực hiện các hoạt động tiếp thị những sản phẩm của họ.

Tranh thủ các “apps”

Có thể không kể hết những apps (ứng dụng) dành cho ngành giáo dục nhưng việc tranh thủ các ứng dụng này để nâng cao khả năng nghiên cứu, học tập là thật sự cần thiết. Đây là cơ hội tốt cho giáo dục, đặc biệt với 3 đối tượng nhà trường, thầy cô giáo và sinh viên.

Để phục vụ giáo dục, ngoài những ứng dụng miễn phí thông thường như email, calendar (lịch hẹn), talk (tán gẫu và thoại), Google còn cung cấp một loạt các hỗ trợ miễn phí khác như Docs (duyệt văn bản), Site (website nội bộ), Video, Group (trao đổi nhóm)… nhằm giúp cho môi trường học tập thêm đa dạng và phong phú.

Các ứng dụng này được xây dựng dựa trên nền tảng điện toán đám mây, phần mềm như là dịch vụ (software as a service – SaaS) nên mang lại nhiều tiện ích cho nhà trường như không cần phải đầu tư hệ thống máy chủ, không cần mua bản quyền hay thực hiện bảo trì, bảo dưỡng cũng như giảm thiểu rủi ro và công sức cho việc vận hành hệ thống CNTT trong nhà trường.


Bước đầu làm quen

Ở các nước, đặc biệt là Mỹ, các trường học đã tranh thủ nhanh việc ứng dụng này để giúp giảm thiểu những chi phí liên quan đến việc đầu tư hệ thống, bản quyền phần mềm và nhân sự. Điều này càng phù hợp hơn đối với các trường cao đẳng, đại học, nơi phải phục vụ cho một khối lượng người dùng lên đến hàng chục nghìn.

 

Tại Việt Nam, một vài trường tư thục, dân lập đang tiên phong ứng dụng Google chính thức thay vì dành một ngân sách khá lớn để đầu tư cho hệ thống máy tính hoặc sử dụng những phần mềm không có bản quyền. Ngược lại, nhiều trường cao đẳng, đại học công lập còn “ngại” ứng dụng, một phần do thói quen và cơ chế chưa ủng hộ những người phụ trách hệ thống CNTT. Những lý do mang tính tâm lý đã gây khó khăn cho người quản lý hệ thống CNTT của nhiều trường, làm giảm năng suất, cơ hội học tập của thầy cô, sinh viên...

 

Để đẩy nhanh chất lượng dạy học, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu, các cấp lãnh đạo ngành GDĐT cần ủng hộ các trường cao đẳng, đại học ứng dụng CNTT.


Nguyễn Thụy Tường Vy (nguồn PCWorld)